Ngộ độc thực phẩm do khuẩn Salmonella

Ngộ độc thức ăn do khuẩn Salmonella
Loại vi khuẩn này sống trong phủ tạng của gia cầm, gia súc và tràn vào thịt khi những con vật này bị mổ. Chúng cũng có mặt ở phân và dễ dàng "đột nhập" vào trứng gia cầm qua những lỗ nhỏ li ti ở vỏ. Salmonella là một trong những thủ phạm chính gây ngộ độc thực phẩm vào mùa hè.


Những thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, sò, hến... rất dễ bị nhiễm salmonella trong quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển nếu không bảo đảm vệ sinh.

Các thống kê dịch tễ học cho thấy, các ca ngộ độc do thức ăn nhiễm khuẩn salmonella xảy ra lẻ tẻ quanh năm và tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Đây là lúc tiết trời nóng bức, vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh, ruồi nhặng, gián cũng hoạt động mạnh; sức đề kháng của cơ thể lại giảm sút, rất dễ nhiễm bệnh.

Thông thường, 12-24 giờ sau khi ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn (có khi nhanh hoặc chậm hơn), bệnh nhân thấy đau bụng, buồn nôn, rồi nôn mửa, đi ngoài phân lỏng, nhức đầu, nôn nao, khó chịu, ra mồ hôi, mặt tái nhợt, sốt 38-40 độ C trong 2-4 ngày (có trường hợp sốt lâu hơn).

Những trường hợp nhẹ có thể tự khỏi sau khi nôn hết thức ăn hoặc sau vài ba lần tiêu chảy, chỉ cần bù nước và chất điện giải. Đối với những trường hợp nặng (nhất là với các em nhỏ, các cụ già), cần dùng thêm kháng sinh theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Do nôn nhiều, tiêu chảy nhiều, bệnh nhân bị mất nước, mất muối nghiêm trọng nên có thể thấy mệt lử, mắt trũng, chân tay lạnh, vật vã, li bì, mê sảng... Khi đó, cần nhanh chóng chuyển đến bệnh viện để điều trị.

Để phòng nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn salmonella, khi giết mổ súc vật, tuyệt đối không để phân, lông dây vào thịt và các phủ tạng khác. Lòng phải làm kỹ, rửa sạch, không để lẫn với thịt, phải luộc kỹ và ăn ngay, không nên để dành. Không ăn tiết canh, thịt tái...

Thức ăn dự trữ hoặc còn thừa phải được nấu lại trước khi ăn. Cần cảnh giác với những món nguội như thịt đông, pa tê, giò, chả... vì chúng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu có điều kiện, nên cất giữ thực phẩm trong tủ lạnh. Với thức ăn để dành, sau khi nấu chín, để nguội, nhớ cho vào tủ lạnh ngay, chậm nhất là 4 giờ sau khi nấu xong. Thức ăn chín đã lấy ra khỏi tủ lạnh thì phải ăn ngay, không để quá 4 giờ. Người đang bị một bệnh nhiễm khuẩn không nên tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (chuẩn bị, chế biến, nấu nướng).

BS Nguyễn Hưng Thịnh, Sức Khoẻ & Đời Sống

Nhận xét